Đâu là giải pháp tối ưu để điều trị sẹo mụn?

Sẹo mụn là một trong những vấn đề da được xếp vào nhóm phổ biến nhưng khó điều trị nhất. Chắc hẳn bạn đã từng nghe về các phương pháp điều trị từ sản phẩm thoa ngoài da đến liệu pháp xâm lấn nâng cao nhằm mục đích cải thiện tình trạng mụn. Vậy mỗi phương pháp này hiệu quả đến đâu? Liệu phương pháp nào cũng có thể áp dụng cho tình trạng sẹo mụn bạn gặp phải? Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng khai thác các vấn đề về tổng quan về sẹo mụn cũng như tìm hiểu giải pháp phù hợp nhất để điều trị sẹo mụn. 

1. Khái quát chung về sẹo mụn

Sẹo là kết quả của quá trình lành thương tự nhiên dẫn đến sự hình thành mô sợi thay thế mô bình thường bị huỷ hoại do chấn thương hoặc bệnh lý nào đó. Sự hình thành sẹo có thể là sẹo lồi do tăng sinh mô quá mức hoặc sẹo rỗ do sự giảm hoặc mất mô tại chỗ tổn thương. Theo thống kê, sẹo lõm là tình trạng phổ biến nhất mà nhiều người gặp phải. Sẹo rỗ thường gặp khi có tình trạng viêm sâu sau các tổn thương như mụn trứng cá, bệnh thủy đậu, chấn thương…Yếu tố chính tác động lên sự hình thành sẹo rỗ chính là độ nặng của sang thương, thời gian tồn tại tổn thương viêm , vị trí và một số yếu tố nội tại (loại da, miễn dịch…)

Thông thường, da sẹo mụn lâu năm sẽ gồm sự kết hợp của nhiều loại sẹo mụn khác nhau. Ảnh: Internet. 

2.  Cơ chế tạo sẹo

Quá trình lành thương gồm 3 giai đoạn: viêm, tăng sinh và tái tạo. Cả 3 giai đoạn này có sự chồng lấp và được điều hoà bởi các cytokine (là các phân tử có khả năng điều hoà hoạt động của tế bào).

  • Giai đoạn viêm (0-5 ngày): cơ thể phóng thích cytokine, vận động bạch cầu đến vết thương.
  • Giai đoạn tăng sinh (3-6 tuần): các tế bào sừng di chuyển lên để tái tạo thượng bì, tân sinh mạch máu, tạo nguyên bào sợi để tổng hợp chất nền ngoại bào.
  • Giai đoạn tái tạo (2-5 tháng): quá trình tổng hợp và ổn định collagen. Collagen type III sẽ trở thành collagen loại I trưởng thành cùng với quá trình điều hoà của MMPs (matrix metalloproteinases) và TIMPs (tissue inhibitor metalloproteinases). Nếu tỉ lệ MMPs/TIMPs thấp sẽ dẫn tới hình thành sẹo lõm và ngược lại sẽ hình thành sẹo lồi.

3. Phân loại sẹo

Dựa trên biểu hiện lâm sàng và mô học thì sẹo lõm được chia thành 3 loại:

  • Sẹo chân đáy nhọn (ice pick): hẹp, đường kính nhỏ hơn 2mm, sâu, giới hạn rõ, hình chữ V, xâm lấn đến bì sâu hay mô hạ bì.

Minh hoạ sẹo chân đáy nhọn 

  • Sẹo chân vuông (box scar): sẹo lõm hình hộp hoặc hình bầu dục, bờ đứng dọc rất rõ, tạo thành hình chữ U. Miệng sẹo trên bề mặt rộng hơn ice pick scar, có đường kính từ 1.5-4.0mm và độ sâu lớn hơn 0.5mm.

Ví dụ về sẹo chân vuông

  • Sẹo lượn sóng (Rolling scar): sẹo thường nông, bề dày bằng lớp thượng bì, có bờ không rõ, đường kính rộng hơn 4-5mm, dạng cuốn hoặc dạng lượn sóng.

Bề mặt da có sẹo lượn sóng

4. Các phương pháp điều trị sẹo rỗ

Thông qua thông tin được cung cấp trong quá trình tạo sẹo ở mục 2, việc điều trị và phòng ngừa sẹo mụn sẽ nhắm vào cả 3 giai đoạn gồm (1) Làm giảm viêm ở giai đoạn viêm, (2) Hỗ trợ sản sinh collagen ở giai đoạn tăng sinh và (3) Giảm lượng MMPs ở giai đoạn tái tạo bằng cách hoạt chất như Tretinoin, Vitamin C, Glycolic acid, peptide…đã được chứng minh là mang lại hiệu quả cao. Ngoài ra sử dụng các phương pháp xâm lấn tạo vết thương giả như lazer, lăn kim, cắt đáy sẹo….cũng được ứng dụng rộng rãi trong điều trị sẹo rỗ hiện nay.

4.1. Sử dụng các hoạt chất bôi

a. Tretinoin

Tretinoin là một phái sinh của vitamin A có khả năng tác động ở cấp độ tế bào, chúng kích thích sản sinh collagen, giảm viêm cực kì hiệu quả. Bên cạnh đó, nếu sử dụng theo thời gian dài, Hyaluronic acid nội sinh của da cũng được gia tăng lên đáng kể. Đây cũng là một hoạt chất đầu tiên được nghĩ đến khi nhắc đến điều trị sẹo rỗ thông qua đường bôi.

b. Glycolic acid

Glycolic acid cũng là một hoạt chất mạnh không kém, nó giúp làm mỏng lớp thượng bì và dày lớp trung bì, cải thiện bề mặt sẹo và thấm sâu vào lỗ chân lông nhằm kích thích sản sinh collagen giúp làm đầy sẹo. Trong thời gian gần đây, một nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi kết hợp Tretinoin và Glycolic acid  lại với nhau và dùng liên tục trong 12 tuần mang lại kết quả điều trị sẹo khá ấn tượng, có đến 91.4% bệnh nhân tham gia điều trị nghiên cứu cho kết quả cải thiện rõ rệt [1].

c.  Vitamin C

Vitamin C tác động toàn diện đến cả 3 giai đoạn hình thành sẹo, nó có thể giúp giảm viêm, kích thích sản sinh nguyên bào sợi và điều hoà lượng MMP được tạo ra. Từ đó cho thấy, sử dụng sớm vitamin C từ ngay giai đoạn đầu cho hiệu quả cao trong phòng ngừa sẹo mới và cải thiện sẹo cũ. Tuy nhiên có một điều cần lưu ý rằng, phái sinh L-ascorbic acid mang lại những công dụng kể trên cực kì mạnh mẽ, nhưng nó cũng là “một con dao 2 lưỡi” nếu như chúng ta không biết kiểm soát chúng. Nó có thể làm vết thương viêm trở nên trầm trọng hơn nếu sử dụng không đúng nồng độ đối với mỗi tình trạng da khác nhau. Ở bài viết tiếp theo, chúng ta sẽ cùng thảo luận sâu về việc sử dụng vitamin C trong phòng ngừa một số vấn đề về da trong đó có sẹo rỗ.

4.2. Các phương pháp xâm lấn tiêu biểu

a. Chemical peel (lột da hoá học):

Thủ thuật lột gây bong vảy hoá học có kiểm soát của lớp thượng bì và trung bì giúp tăng quá trình sửa chữa của da. Các hoá chất lột có thể dùng là Glycolic acid, Salicylic acid, Trichloroacetic acid (TCA)…Lựa chọn nồng độ phụ thuộc vào hoá chất được dùng, vùng da điều trị và độ nặng của sẹo.

– Ưu điểm: dễ thao tác, không cần máy móc hiện đại, chi phí rẻ và thời gian nghỉ dưỡng ngắn.

– Nhược điểm: chỉ có hiệu quả với sẹo mới và nông trên bề mặt, hiệu quả kém với sẹo lâu năm. Ngoài ra còn có thể gây giảm sắc tố sau điều trị.

– Thường áp dụng với sẹo lượn sóng, sẹo đáy nhọn.

b. Lăn kim:

Sử dụng 1 dụng cụ lăn gồm 1 con quay vô trùng mang nhiều kim, tạo ra nhiều vi lỗ trên da ở mức độ thượng bì cho đến trung bì và bì nhú tuỳ thuộc vào độ dài của kim. Phương pháp này gây tổn thương cơ học nhằm kích thích quá trình sửa chữa và tăng trưởng tự nhiên của cơ thể, dẫn đến tạo collagen và tái tạo cấu trúc mô da.

– Ưu điểm: giúp tạo ra các kênh nhỏ nhằm gia tăng hấp thụ hoạt chất dùng tại chỗ, mang lại hiệu quả dài lâu.

– Nhược điểm: dễ dàng tăng sinh sắc tố sau điều trị.

– Thường áp dụng với sẹo lượng sóng.

c. Laser:

Laser tái tạo bề mặt gồm laser bóc tách và không bóc tách, Laser không bóc tách thường không mang lại cảm giác khó chịu trong lúc điều trị nhưng kết quả lại kém hơn laser bóc tách. Nguyên lý hoạt động của chúng được hiểu đơn giản là: chiếu những chùm tia sinh nhiệt gây tổn thương giả đến làn da, từ đó kích thích cơ chế tự sửa chữa tương tự như phương pháp lăn kim.

– Ưu điểm: mang lại hiệu quả cao so với các phương pháp khác, có thể tác động cô lập lên từng nốt sẹo.

– Nhược điểm: chi phí cao, có thể gây tăng sinh sắc tố sau điều trị.

-Thường áp dụng với sẹo hình hộp và sẹo đáy nhọn.

d. Cắt đáy sẹo:

Dùng kim luồn vào dưới da và di chuyển theo nhiều hướng. Nguyên tắc của phương pháp này là cắt đứt những dải xơ sợi nối đáy sẹo và mô bên dưới, đồng thời kích thích tái tạo mô liên kết, từ đó đẩy nền sẹo lên nông hơn, giúp cải thiện độ lõm của da.

– Ưu điểm: mang lại hiệu quả cao, giải quyết được các loại sẹo sâu và lâu năm.

– Nhược điểm: phụ thuộc rất nhiều vào tay nghề của bác sĩ thực hiện thủ thuật, nếu không kiểm soát tốt có thể dẫn đến hình thành sẹo mới.

– Thường áp dụng với sẹo hình hộp.

Review Blog Mỹ Phẩm

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top