Tại Sao Da Vẫn Đổ Dầu Dù SkinCare Đúng Cách?

Da dầu/ da hỗn hợp thiên dầu là loại da vô cùng phổ biến đối với đại đa số người Việt Nam. Vì đất nước ta chịu ảnh hưởng khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, việc tình trạng da dầu kết hợp với yếu tố thời tiết cũng như thói quen sinh hoạt khiến mụn trở thành bệnh lý da liễu rất thường gặp. Do đó, trong hầu hết các chu trình dưỡng da, mục đích chính của người sử dụng đều nhằm vào mong muốn giảm lượng dầu trên da. Tuy nhiên, thực tế là việc chăm sóc da đúng cách sẽ không thể nào làm da hoàn toàn hết đổ dầu. Hãy cùng Obagi tìm hiểu bản chất của việc chăm sóc da để kiểm soát lượng dầu trên da, để từ đó có những kỳ vọng hợp lý nhé.  
I. Giới thiệu về tuyến bã nhờn 

1. Khái niệm bã nhờn

Bã nhờn là một chất nhờn, dạng sáp được sản xuất bởi các tuyến bã nhờn của cơ thể giúp bao phủ, dưỡng ẩm và bảo vệ làn da của bạn. Bã nhờn cũng được xem là thành phần chính được gọi là “dầu tự nhiên” của cơ thể.

Theo định nghĩa từ các nghiên cứu [1,2]: Bã nhờn là một hỗn hợp phức tạp của axit béo, đường, sáp và các hóa chất tự nhiên khác tạo thành một hàng rào bảo vệ chống lại sự thoát hơi nước trên da. Cụ thể hơn, trong bã nhờn chứa chất béo trung tính và axit béo (57%), este sáp (26%), squalene (12%) và cholesterol (4,5%).

  • Bã nhờn là bình thường đối với cơ thể, tuy nhiên, nếu làn da sản xuất một lượng quá lớn/ dư thừa hỗn hợp chất béo (phân tử giống chất béo) tạo nên bã nhờn thì làn da của bạn có thể được phân loại vào “da nhờn”.
  • Tất nhiên, thứ mà chúng ta gọi là “dầu” trên da không chỉ được tạo thành từ bã nhờn. Nó cũng chứa một hỗn hợp mồ hôi, tế bào da chết và các hạt nhỏ của khá nhiều thứ khác có trong bụi trôi nổi xung quanh bạn.

2. Tuyến bã nhờn hoạt động như thế nào?

Các tuyến bã nhờn bao phủ phần lớn trên cơ thể, có những loại tồn tại xung quanh các nang tóc, nhưng nhiều loại cũng tồn tại độc lập. Các tuyến bã nhờn được tìm thấy trên khắp cơ thể con người ngoại trừ lòng bàn tay và lòng bàn chân.

  • Da mặt và da đầu là nơi tập trung các tuyến nhờn cao nhất. Chúng có thể lên đến 400-900 tuyến / cm 2 trên mặt [3].
  • Các tuyến bã nhờn thường được tìm thấy cùng với một nang lông, chúng được gọi là đơn vị tuyến bã nhờn ( Hình 1).
  • Ống chân và các bề mặt nhẵn khác của bạn thường có ít tuyến hơn. Lòng bàn tay và lòng bàn chân là những vùng da duy nhất không có tuyến nào.

 Các đơn vị tuyến bã nhờn căn bản của da

Tuyến bã nhờn nằm trong phần trên của nang lông và không bị ảnh hưởng bởi chu kỳ lông. Các tuyến bã nhờn có thể là một tuyến hoặc nhiều tuyến. Hoạt động chính của các tuyến bã nhờn trưởng thành là sản xuất và tiết ra bã nhờn.

  • Quá trình này xảy ra khá phức tạp, tuyến bã nhờn sản xuất bã nhờn thông qua bài tiết holocrine – khi một tế bào chết theo quy trình (do phân hủy hoàn toàn của các tế bào tuyến thành ống nang).  Các tế bào chuyên biệt, được gọi là tế bào sebocytes, đã tích tụ các lipid tế bào chất và phân hủy, sau đó giải phóng thành phần bã nhờn này vào nang.
  • Bã nhờn di chuyển qua ống nang lông nối tuyến bã nhờn với nang lông. Lông mọc kéo chất nhờn lên trên bề mặt da.

3. Vai trò của bã nhờn trên da

  • Hydrat hóa: Bã nhờn giúp giữ độ ẩm bên trong da, thúc đẩy quá trình hydrat hóa và tạo thành một lớp phủ bảo vệ trên bề mặt da. Lớp lipid này bảo vệ da khỏi các mầm bệnh có hại, chẳng hạn như vi khuẩn và nấm; bảo vệ da khỏi bức xạ UV và các nguyên nhân gây hại khác [4].
  • Vận chuyển chất chống oxy hóa: Bã nhờn vận chuyển chất chống oxy hóa hòa tan trong chất béo đến bề mặt da. Chất chống oxy hóa là các hợp chất tự nhiên bảo vệ chống lại tác hại của các gốc tự do (chẳng hạn như hòa tan vitamin E trên bề mặt da).
  • Bảo vệ chống lại vi khuẩn: Bã nhờn có tính axit nhẹ, với độ pH từ 4,5 và 6,0 lý tưởng để các mầm bệnh khó phát triển. Trong khi đó, axit sapienic và các axit béo khác được tìm thấy trong bã nhờn giúp ngăn chặn Vi khuẩn tụ cầu vàng xâm nhập, giảm các bệnh nhiễm trừng tụ cầu vàng và viêm da dị ứng. Nhiều thành phần khác của bã nhờn, bao gồm axit béo và squalene, có đặc tính chống viêm [5].

II. Nguyên nhân ảnh hưởng đến tuyến bã nhờn 

1. Hoocmon và Chế độ ăn

Hiện nay, vai trò của bã nhờn ở người vẫn chưa được hiểu rõ và các con đường trao đổi chất, điều chỉnh thành phần và tốc độ bài tiết của quy trình này vẫn chưa được giải đáp hoàn toàn. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã cho thấy rằng: Sự sản xuất bã nhờn khác nhau để đáp ứng với sự dao động hormone liên quan đến tuổi tác, một số loại thuốc và các yếu tố lối sống.

Nội tiết tố androgen được sản xuất bởi tuyến thượng thận giúp điều chỉnh sản xuất bã nhờn tổng thể trên da. Nội tiết tố androgen càng hoạt động, cơ thể càng sản xuất nhiều bã nhờn. Ở nữ giới, có thêm Progesterone – không phải là androgen, nhưng nó có tác động đến việc sản xuất bã nhờn.

  • Progesterone làm suy yếu tác dụng của enzym 5 alpha-reductase – enzym kích hoạt sản xuất bã nhờn. Vì vậy, về lý thuyết, mức progesterone cao sẽ khiến sản xuất bã nhờn giảm xuống. Điều này cũng lý giải những thay đổi sinh lý về tiết dầu

Các hormone sinh dục, đặc biệt là testosterone, đóng một vai trò lớn trong việc điều chỉnh hoạt động của tuyến bã nhờn:

  • Sản xuất bã nhờn đạt đỉnh điểm ngay sau khi sinh và giảm trong tuần đầu tiên sau sinh. Trong độ tuổi dậy thì, testosterone tăng cao, kích hoạt một đợt tăng sản xuất bã nhờn khác trên da khiến tình trạng mụn trứng cá bùng phát, da đổ dầu nhiều nếu không được chăm sóc đúng cách.
  • Mức độ testosterone và bã nhờn suy giảm tự nhiên theo tuổi tác.

Các chuyên gia da liễu cũng chỉ ra rằng các yếu tố chế độ ăn uống làm thay đổi sản lượng tuyến bã nhờn [6,7,8]: Sản xuất bã nhờn có thể được tăng lên bằng cách tiêu thụ chất béo hoặc carbohydrate trong chế độ ăn uống. Việc hạn chế calo đã được chứng minh là làm giảm đáng kể tốc độ tiết bã nhờn. Thói quen ăn uống, cung cấp chất nền cho quá trình tổng hợp lipid bã nhờn, đều có thể tham gia vào cơ chế sản xuất bã nhờn.

2. Sử dụng sản phẩm điều trị sai cách:

Sử dụng sản phẩm mang tính điều trị quá mức (overtreatment) rất dễ xảy ra nếu như chúng ta skincare sai cách khiến tình trạng da tồi tệ hơn, điển hình là: Da đổ dầu nhiều hơn bình thường/ da không nhờn nhưng trông lại rất sáng bóng [9]. Theo các chuyên gia da liễu, đây là dấu hiệu tiêu biểu của việc tẩy da chết quá mức làm mất đi nhiều tế bào chết trên bề mặt hơn mức bình thường, gây khô/bóng làn da. Và gây nên việc làn da phải tiết dầu để bù đắp cho tình trạng khô.

  • Độ ẩm của da luôn ở mức cân bằng. Vậy nên, khi làn da đổ dầu nhiều hơn bình thường, trước khi tìm đến các sản phẩm kiềm dầu, hãy xem xét lại chu trình dưỡng da và chú ý yếu tố thời tiết, nhiệt độ thay đổi có khiến sinh lý làn da thay đổi hay không.
  • Nếu đang gặp nhiều đổ dầu hơn bình thường da overtreatment hoặc da mất nước, hãy cố gắng giảm lượng sản phẩm chăm sóc da hấp thụ dầu và các sản phẩm tẩy tế bào chết; thay vào đó nên sử dụng các loại serum và kem dưỡng ẩm dạng gel chứa axit hyaluronic, ceramide, … giúp cung cấp đủ nước cho da.

Dù sở hữu làn da nào, hãy kiên nhẫn tìm ra giải pháp phù hợp nhất với bản thân. Ảnh: Medical News Today. 

3. Sử dụng các thành phần tăng tiết dầu:

Theo Hiệp hội Da liễu Mỹ: những người có da nhờn/dầu cần tránh các sản phẩm có dầu (oil-free) hoặc chất tẩy rửa có chứa cồn (alcohol). Các sản phẩm này có thể gây kích ứng da, có khả năng kích thích sản xuất dầu nhiều hơn [10].

III. Các hoạt chất chăm sóc da giúp điều tiết bã nhờn

1. Saliyclic acid

Bác sĩ da liễu Schueller cho biết có ba yếu tố gây ra mụn trứng cá: tế bào chết, sản xuất tiết dầu trên da và hoạt động của vi khuẩn P. acnes . Ông nói: “Axit salicylic giúp giải quyết nguyên nhân đầu tiên bằng cách hòa tan các loại cặn bẩn trên da làm tắc nghẽn lỗ chân lông và gây ra mụn.” [11].

Mặc dù đến nay vẫn chưa có quá nhiều tài liệu chứng minh SA có thể kiềm dầu mạnh mẽ được như Retinoids, Tuy nhiên SA vẫn có khả năng kiềm dầu đáng kể đối với 1 số làn da. BHA tác động gián tiếp đến quá trình giảm bã nhờn thông qua cơ chế tan trong lipid và làm thông thoáng lỗ chân lông hoàn toàn có thể ngăn bít tắc cơ học trên da và hạn chế quá trình sản xuất dầu nhờn gây mụn.

Kết quả điều trị với dung dịch peel chứa Salicylic Acid. Ảnh: Dainichi, Teruki et al. “Excellent Clinical Results with a New Preparation for Chemical Peeling in Acne: 30% Salicylic Acid in Polyethylene Glycol Vehicle.” Dermatologic Surgery 34 (2008): 891–899.

2. Niacinamide

Niacinamide là một trong số ít các hợp chất được chứng minh làm giảm sản xuất bã nhờn trên da và làm giảm độ nhờn tổng thể của da. Nghiên cứu chỉ ra rằng 2% Niacinamide dùng ngoài da có thể làm giảm sản sinh các axit béo trong bã nhờn và giảm lượng tiết dầu thừa trên da chỉ sau 2-4 tuần [12]. Một nghiên cứu khác cho thấy Niacinamide kết hợp với natri dehydroacetate (SDA) giúp làm giảm gấp đôi lượng bã nhờn trên bề mặt da so với chỉ sử dụng Niacinamide [13].

  • Kết luận báo cáo cho thấy 2% Niacinamide giúp kiểm soát dầu và 4% Niacinamide có khả năng giảm tổng lượng bã nhờn trên da, do đó sử dụng thành phần này giúp kiểm soát điều tiết dầu thừa, cải thiện thẩm mỹ lỗ chân lông và giảm bít tắc cơ học giảm hình thành mụn trứng cá.

Ngoài ra, Niacinamide giúp tăng hydrat hoá trên da, giúp cân bằng ẩm, tránh việc làn da thiếu ẩm – nguyên nhân gây nên sự tăng tiết dầu thừa bù ẩm trên da.

3. Retinoids

Retinoids thoa ngoài da là lựa chọn lý tưởng nhất khi nhắc đến làn da dầu: vitamin A (retinol), các dẫn xuất như retinaldehyde, acid retinoic, và các este retinyl; và một số dẫn xuất vitamin A tổng hợp như adapalene và tazarotene.

Retinoids có rất nhiều công dụng trên làn da, các nghiên cứu đã chứng minh đươc rằng thành phần này một cách gián tiếp đã điều tiết sản xuất bã nhờn trên da [14,15,16]:

  • Retinoids tương tác với các thụ thể axit nucleic hạt nhân (RAR) trên da, bao gồm 3 dạng: RAR-a, RAR-β và RAR-γ.
  • Một RAR sẽ kết hợp với một thụ thể retinoid X (RXR) và tạo ra một dị nhân. Các dị nhân này tiếp tục liên kết với một khu vực cụ thể trong axit deoxyribonucleic (DNA) được gọi là các yếu tố phản ứng axit retinoic (RARE).
  • Sau khi liên kết, quá trình phiên mã của các gen mã hóa protein cần thiết cho việc sửa chữa da bị tổn thương do ánh sáng, tăng trưởng và biệt hóa tế bào sừng, các hoạt động chống viêm và ức chế sản xuất bã nhờn sẽ diễn ra.

Tổng kết lại, việc khiến da hoàn toàn hết đổ dầu là điều không thể vì chúng chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố ngoài tầm kiểm soát như sự thay đổi hormone, tuổi tác và bẩm sinh. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể phần nào hỗ trợ giảm thiểu cũng như điều tiết lượng dầu tiết ra nhờ những yếu tố trong tầm kiểm soát như chế độ chăm sóc da đúng đắn và thói quen sinh hoạt hợp lý. Trong quá trình chăm sóc da với các hoạt chất hỗ trợ điều tiết bã nhờn, làn da vẫn được hưởng những lợi ích to lớn như kháng viêm, chống lão hoá, ngăn ngừa nếp nhăn. 

Review Blog Mỹ Phẩm

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top